Bạn muốn trở thành Chuyên gia công nghệ thiết kế? Fitz chia sẻ bí quyết

Fitz Maro là Trưởng phòng Công nghệ thiết kế khu vực Bắc Mỹ tại Brand Innovation Lab của Amazon. Tại đây, anh sẽ chia sẻ những hiểu biết của mình về một trong những vị trí ngày càng quan trọng trong quảng cáo.
Chào Fitz. Anh có thể cho chúng tôi biết một chút về công việc của một Chuyên gia công nghệ thiết kế không?
Chuyên gia công nghệ thiết kế (DT) là vị trí khá độc đáo bởi vì công việc của chúng tôi kết hợp tư duy sáng tạo với năng lực kỹ thuật chuyên sâu. Chúng tôi có thể tự tin thảo luận các ý tưởng về quảng cáo, nhưng chúng tôi cũng phụ trách các khía cạnh kỹ thuật trong các chiến dịch sáng tạo.
Khi thảo luận hoặc xem xét một giải pháp quảng cáo, chúng tôi có thể dùng công nghệ để biến ý tưởng thành hiện thực. Chúng tôi có thể nói, “Tôi hiểu ý tưởng lớn của bạn sẽ phát triển như thế nào, và mặc dù chúng ta không thể làm theo đúng cách đó, nhưng chúng ta có thể làm theo hướng X hoặc Y không? Sẽ thế nào nếu chúng ta tích hợp công nghệ này hay công nghệ kia để phát triển ý tưởng đó?”
Điều gì khiến DT trở nên khác biệt?
Không giống như nhiều vị trí kỹ thuật phần mềm chỉ thiên về sử dụng não trái, các chuyên gia DT như chúng tôi sử dụng các kỹ năng phân tích của não trái, khả năng sáng tạo của não phải và khả năng giao tiếp hiệu quả với tất cả các đồng nghiệp, cả kỹ thuật và phi kỹ thuật.
Lấy ví dụ là một người trẻ tuổi thích vẽ; họ có thể đi theo xu hướng nghệ thuật. Một người thích đọc và viết có thể dễ dàng trở thành một copywriter. Tương tự như vậy, các chuyên gia DT lớn lên với niềm đam mê công nghệ và khao khát thể hiện bản thân một cách sáng tạo thông qua công nghệ.
Làm thế nào để mọi người có thể đảm nhận những vị trí này?
Hầu hết những người trong ngành Công nghệ thiết kế đều không có bằng cấp chính thức trong lĩnh vực này. Nhiều người học về khoa học máy tính, tự học hoặc bắt đầu từ các khóa đào tạo viết mã. Tuy nhiên, họ đều có chung sự tò mò về công nghệ và khả năng của công nghệ. Tôi tình cờ có bằng thạc sĩ về công nghệ quảng cáo từ VCU Brandcenter. Mặc dù quỹ đạo của tôi khác biệt vì tôi có bằng cấp trong lĩnh vực này, nhưng tôi cũng phải tìm một chỗ đứng cho bản thân trong thế giới quảng cáo và đại lý.
Anh có nghĩ rằng DT ngày càng có vai trò vững chắc hơn không?
Trở lại năm 2012 khi tôi sắp lấy bằng thạc sĩ, đã có những nghi ngờ về sự cần thiết của các vị trí như DT. Mọi người nói rằng khi một thế hệ “công dân kỹ thuật số” gia nhập lực lượng lao động, họ sẽ thừa hưởng các kỹ năng công nghệ cần thiết.
Một thập kỷ sau, chúng ta đều biết điều đó không đúng. Nhu cầu tìm những người có thể làm việc và vượt qua những thử thách kỹ thuật phức tạp ngày càng tăng cao. Bạn hãy nhìn xem các nhà tiếp thị đã chi tiêu cho truyền thông như thế nào trong thập kỷ qua; các công ty chuyên về kỹ thuật số hiện đang vượt trội hơn so với ngân sách truyền hình và in ấn truyền thống.
Tương tự, vai trò của DT cũng ngày càng tăng và AI là động lực lớn nhất cho quá trình phát triển đó. Trong một thế giới ngày càng tập trung vào công nghệ, tôi chắc chắn rằng DT sẽ tiếp tục đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy đổi mới cho các thương hiệu trong bối cảnh quảng cáo ngày nay.
Điều tuyệt vời nhất khi làm việc tại Amazon là gì?
Tôi nói điều này nghe có vẻ giống giọng văn sáo rỗng của những người làm quản lý, nhưng với tôi, đó là cơ hội được thấy đội nhóm của mình phát triển. Chúng tôi thực sự phấn khích với các dự án mà chúng tôi triển khai từ tháng này qua tháng khác, từ chiến dịch này đến chiến dịch khác.
Với tất cả các dịch vụ mà Amazon cung cấp, không có nơi nào tuyệt vời hơn để mở rộng con đường sự nghiệp của một chuyên gia DT. Trở thành DT tại Amazon giống như được làm thành viên của Biệt đội Avengers; xung quanh bạn là rất nhiều đồng nghiệp kỹ thuật (và sáng tạo!) rất giỏi.
Ứng viên cho vị trí DT cần những phẩm chất gì?
Chúng tôi duy trì quan điểm cởi mở về ứng viên mà chúng tôi muốn tuyển. Mặc dù số năm kinh nghiệm cũng quan trọng, nhưng chúng tôi coi trọng sự đa dạng về kinh nghiệm chuyên môn. Ví dụ: gần đây chúng tôi đã tuyển dụng một người có chuyên môn và kinh nghiệm chuyên sâu làm việc tại đại lý cùng với một ứng viên khác có kinh nghiệm lâu năm về thực tế tăng cường và cửa hàng sản xuất. Cả hai đều mang đến những điểm mạnh và quan điểm khác nhau từ kinh nghiệm của họ.
Là DT, chúng tôi thường đóng vai trò trung gian, thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm kỹ thuật và các bên liên quan đến quảng cáo. Điều đó nghĩa là phải truyền tải thực tế kỹ thuật và thuật ngữ chuyên ngành bằng ngôn ngữ dễ hiểu cho cả hai bên. Kỹ năng giao tiếp là tối quan trọng.
Tại sao từ một đại lý, anh lại chuyển sang làm việc cho Amazon Ads?
Những cơ hội tại Amazon vô cùng thú vị. Một trong những điểm thu hút nhất với tôi là các đối tác kỹ thuật phong phú mà chúng tôi có.
Trong một công ty quảng cáo, bạn thường có những ý tưởng tuyệt vời, nhưng bạn không thể thực hiện chúng vì bạn không được trực tiếp cộng tác với các nhóm có liên quan. Tại Amazon, đặc biệt là tại phòng Brand Innovation Lab, chúng tôi có thể tương tác trực tiếp với các nhóm khác nhau trên Amazon.
Ngoài ra còn là sự ngưỡng mộ của tôi đối với chính công ty này. Tôi đã theo dõi hoạt động của Amazon và rất ấn tượng bởi khả năng thích ứng của công ty trong những năm qua, dù trong tăng trưởng và tầm nhìn của AWS hay sự thận trọng trong cách tiếp để mở rộng quy mô kinh doanh quảng cáo của mình. Khi tôi bắt đầu nhận thấy các nhà quảng cáo tận dụng Amazon Ads một cách hiệu quả, tôi rất phấn khích vì điều đó cho thấy các khoản đầu tư của công ty thực sự bắt đầu có tác dụng. Với lượng đối tượng khách hàng rộng lớn mà chúng tôi có, tôi đã và sẽ luôn tin vào tiềm năng tăng trưởng to lớn.